Đây được xem là một điểm nhấn thú vị trong Festival Huế 2014 đang diễn ra. Những Festival trước, nước Nhật chỉ gửi sang những bộ kimono đơn giản, loại yukata – là áo ngắn thụng tay, gọn gàng, ít lớp mặt và khá dễ mặc vào, chỉ cần hướng dẫn là người mẫu Việt có thể mặc được. Năm nay, Nhật đã gửi tới Huế loại kimono cao cấp nhất của văn hóa nước bạn. Đó là loại kimono dành cho nữ giới lúc chưa kết hôn (furisode), kimono dùng trong nghi lễ kết hôn (shiromaku) và kimono yukata. Trong đó, bộ kimono shiromaku dành cho cô dâu Nhật ngày cưới có giá cả nửa tỷ đồng.
Nhà thiết kế Minh Hạnh, tổng đạo diễn Đêm Phương Đông- chương trình thời trang có các bộ kimono Nhật Bản quý góp mặt, cho hay “Hiệp hội Kimono Nhật Bản đã cử 21 chuyên gia về mặc áo truyền thống đến Huế. Lý do, phía nước bạn thấy cần phải có người của họ tự tay mặc loại áo cầu kỳ này cho người mẫu Việt Nam. Nếu để mình tự mặc sẽ rất dễ sai, khi biểu diễn trước công chúng hình ảnh văn hóa từ kimono đến với hàng vạn khán giả sẽ bị ảnh hưởng lớn. Đặc biệt, để mặc mỗi bộ này mất thời gian hơn 1 tiếng”.
Chuyên gia Nhật giúp người mẫu Việt mặc áo kimono trước giờ diễn Đêm Phương Đông
NTK Minh Hạnh còn cho biết thêm, kimono được Nhật đóng gói rất cẩn thận trong từng valy. Áo được dệt từ loại vải quý, chất liệu thêu rất sang trọng. Các bộ kimono đều có giá rất cao. Riêng bộ đồ kimono chuyên dành cho cô dâu Nhật trong ngày cưới truyền thống có giá rất đắt, phải trên 20.000 đô la, thêu bằng chỉ vàng.
Việc làm trên của Nhật Bản đã tạo nên sự hưng phấn mới cho toàn bộ đêm diễn, khi sự giao lưu văn hóa từ Nhật sang Việt đã bao hàm toàn bộ ý nghĩa trân trọng. Các bộ áo kimono được chính chuyên gia người Nhật “tháp tùng” đã nói lên rất nhiều điều. Biểu tượng của quốc gia mặt trời mọc đã đến dự Festival Huế với tất cả hình ảnh đẹp nhất.
Bà Tsunakawa Chie, chuyên gia dạy cách mặc áo kimono, Hiệp hội Kimono Nhật Bản dù tuổi đã lớn đang tất bật dồn chú ý vào từng đường thắt áo cho người mẫu Việt sau hậu trường – trước giờ diễn Đêm Phương Đông vui vẻ nói: “Quy trình mặc áo có nhiều giai đoạn. Đầu tiên mặc lớp lót, có bông lót. Tiếp theo là buộc nhiều dây cố định. Rồi mặc lớp áo màu trắng, tạo lớp dựng cổ. Rồi thắt đai lưng. Đặc biệt, muốn có đai lưng đẹp phải mất thời gian khá lâu”.
Theo bà Chie, khó nhất là bộ kimono shiromaku cho cô dâu với rất nhiều cách mặc cầu kỳ, phức tạp thể hiện kỹ thuật cao đòi hỏi trong đoàn phải thêm người trợ giúp. Bà Chie nói thêm, phụ nữ Việt Nam khi mặc kimono vào khá giống phụ nữ Nhật Bản và rất đẹp.
Dưới đây là chùm ảnh về quá trình mặc kimono Nhật Bản:
Việc mặc áo phải có ít nhất 2 chuyên gia
Một người giữ áo thẳng, ép sát người trong khi người kia xếp các nếp áo
Các phần khi xong được lấy kẹp neo lại vị trí cố định
Xếp phần vải ở lưng trước khi thắt vào hoàn chỉnh
Mỗi chiếc áo mặc mất cả tiếng đồng hồ, rất kỳ công
Một người mẫu mặc chiếc kimono gần như hoàn chỉnh
Tươi cười vì trải qua buổi mặc áo kimono phức tạp nhất trong đời
Các valy chứa kimono và dép truyền thống từ Nhật sang
Lần đầu tiên - trong Festival Huế 2014, Đêm Phương Đông trình diễn những bộ kimono hoàn chỉnh và cầu kỳ nhất từ Nhật Bản (ảnh: Văn Vũ)
Bộ kimono shiromaku dành cho cô dâu Nhật ngày cưới đắt với giá cả nửa tỷ đồng (ảnh: Văn Vũ)