Thuê chung văn phòng
Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, để tiết kiệm chi phí, thay vì ở trọn tòa nhà, nhiều doanh nghiệp ở TP HCM chấp nhận cảnh chung văn phòng để tiết kiệm chi phí.
Chủ một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ quảng cáo, trước đây dùng hết tòa nhà 6 tầng để phục vụ cho công việc, tuy nhiên, kinh tế khó khăn buộc công ty phải giảm nhân sự, chi phí hoạt động cũng tiếp giảm. Để có thêm thu nhập chủ doanh nghiệp này buộc phải cho khách hàng khác thuê lại 2 tầng. Không chỉ doanh nghiệp chuyên về dịch vụ quảng cáo mà một số doanh nghiêp về xuất nhập khẩu hay may mặc quy mô nhỏ cũng chung tình trạng trên. Có nhiều đơn vị, thậm chí phải dời văn phòng về nhà.
Theo chủ một trang web chuyên đăng tin về bất động sản cho biết, năm nay số lượng doanh nghiệp đăng tin chia sẻ văn phòng tăng gấp đôi so với năm ngoái. Nếu tháng đầu năm trước có khoảng hơn 20 doanh nghiệp đăng tin, nay con số này tăng lên đến 40. Văn phòng có giá từ 10-100 triệu đồng được khách hàng chú ý và nhiều giao dịch đã thành công.
Làm hàng nhãn riêng cho siêu thị
Hàng nhãn riêng tại siêu thị ngày càng phong phú. Ảnh: TM. |
Hiện nay hàng nhãn riêng tại các siêu thị ngày càng trở nên phong phú, các doanh nghiệp tham gia vào làm hàng nhãn riêng cho siêu thị ngày càng nhiều. Đại diện một doanh nghiệp chuyên làm hàng nhãn riêng trứng gia cầm chia sẻ, việc làm hàng nhãn riêng không chênh lệch nhiều nên để tối đa hóa năng suất và có thêm thu nhập trong thời kỳ khó khăn công ty này đã chấp nhận ngay lời đề nghị của siêu thị.
“Từ khi chúng tôi làm nhãn hàng riêng, mỗi tháng sản lượng tiêu thụ của chúng tôi tăng thêm 30%. Nhờ đó, người lao động có việc làm ổn đinh, hàng loạt chi phí khác sẽ được hạn chế tối đa do tăng sản lượng sản xuất”, Giám đốc một doanh nghiệp trứng gia cầm cho biết.
Còn đại diện công ty chuyên bánh kẹo cho hay, sản xuất hàng nhãn riêng khiến sức tiêu thụ sản phẩm thương hiệu riêng có đôi chút giảm nhưng bù lại doanh thu vẫn ổn định, không bị bấp bênh thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay tại các hệ thống siêu thị Việt Nam có đến hàng trăm nghìn hàng nhãn riêng được bày bán. Đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart cho hay hiện đơn vị này kinh doanh khoảng 300 mặt hàng, hơn 1.500 mã hàng. Giá cả thường thấp hơn sản phẩm cùng loại 5-30%. Còn tại Big C có hơn 1.000 mặt hàng.
Đa dạng hoá ngành hàng
Thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều trung tâm điện máy, điện tử, viễn thông vượt khó bằng cách mở thêm ngành hàng mới.
Gần đây, rất nhiều khách hàng đã ngạc nhiên khi phát hiện trung tâm mua sắm Nguyễn Kim tại quận Gò Vấp hay Trần Hưng Đạo có bán có bán đồ chơi trẻ em hoặc vali, túi xách.
“Tôi đi mua lò vi sóng nhưng khi lên đến tầng 3 của trung tâm thì thấy rất nhiều vali du lịch được trưng bày tại đây. Tôi tưởng là hàng cũ hoặc khuyến mãi, được nhân viên giải thích là trung tâm này gần đây có bán thêm mặt hàng này để đa dạng hóa ngành hành, tạo tiện lợi cho khách hàng khi đi mua sắm”, chị Hằng ở quận Bình Thạnh chia sẻ. Một nhân viên khác ở đây cho biết, đây là cách để công ty có thêm doanh thu cũng như thu hút thêm khách hàng trong thời kỳ khó khăn.
Chọn thị trường ngách
Một doanh nghiệp khá nổi trong ngành viễn thông chia sẻ, trước đây, họ cũng lựa chọn mô hình cửa hàng bán đa dạng các loại điện thoại di động. Nhưng sau một thời gian kinh doanh họ nhân thất mô hình hoạt động ngày càng kém hiệu quả, người tiêu dùng không tìm thấy được điểm khác biết từ mô hình này dẫn đến sức tiêu thụ giảm sút buộc doanh nghiệp chuyển hướng thành lập các cửa hàng chuyên biệt chỉ bán điện thoại thông minh. Sau một thời gian kinh doanh mô hình mới, thay vì trước đây chỉ có vài chục khách ghé một ngày nay đã tăng lên khoảng vài trăm khách. Số lượng điên thoại bán ra ở các cửa hàng này cũng tăng lên 20%.