Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, dịch vụ logistics là một trong những ngành dịch vụ quan trọng trong thương mại, đặc biệt là với thương mại điện tử.
Có thể thấy, logistics trong bán lẻ truyền thống sẽ bị thay đổi khi chuyển sang phương thức thương mại điện tử. Trong thương mại điện tử, yếu tố công ty giao nhận là rất quan trọng bởi đây là các trung gian giữa trung tâm phân phối hàng hóa và khách hàng. Do đó, cần quản lý chuỗi giá trị này một cách hiệu quả.
Đánh giá về ngành dịch vụ logistcs thương mại Việt Nam, ông Nguyễn Tương, Trưởng Văn phòng Logistics Việt Nam tại Hà Nội cho biết dịch vụ logistics nước ta hiện đứng thứ 48 thế giới theo nghiên cứu xếp hạng năm 2014 của Ngân hàng thế giới về chỉ số hoạt động logistics (LPI).
Tốc độ phát triển thị trường dịch vụ logistics trung bình đạt từ 16-20%, tỷ lệ thuê ngoài còn thấp, chỉ từ 25-30% và chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Theo nghiên cứu gần đây của Bộ Giao thông Vận tải thì chi phí logistics chiếm tỷ lệ 20,9% GDP của Việt Nam (trong khi của các nước phát triển chỉ từ 9-12%), trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60% chi phí logistics.
Đa số các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu làm đại lý cho các doanh nghiệp logistics xuyên quốc gia. Hiện cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này như dịch vụ giao nhận, vận tải, kho bãi, bốc xếp, khai thuế hải quan, chủ yếu tập trung ở khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Có trên 25 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại nước ta, nhưng chiếm tới 80% thị phần cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam.
Lý do dịch vụ logistics Việt Nam còn thiếu hiệu quả được ông Tương đưa ra chính là do thiếu sự tham gia vào chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nước khác. Trong khi đó, văn bản pháp luật liên quan quá nhiều lại không dễ hiểu (hiện có 19 luật, 30 nghị định và khoảng 200 thông tư quản lý); chi phí bôi trơn trong công tác vận chuyển, kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ và đặc biệt là trình độ công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp logistics rất thấp; một số cam kết trong WTO chưa rành mạch, rõ ràng….cũng là những rào cản lớn trong quá trình hội nhập vào thị trường logistics quốc tế của Việt Nam.
Xu hướng mua sắm và bán lẻ online của thị trường Việt Nam đang rất tiềm năng, tuy nhiên dịch vụ vận chuyển giao nhận còn thiếu và yếu (quy cách gói, cước phí, giá cả online không thấp hơn mua trực tiếp…đang là rào cản lớn cho người tiêu dùng tiếp cận phương thức mua sắm mới.
Dịch vụ chuyển phát là một hoạt động trong dây chuyền logistics thương mại. Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử (Vecom): Doanh thu của ngành chuyển phát chỉ khoảng 300-400 triệu USD/ năm - chỉ bằng doanh thu của một doanh nghiệp. Hiện nay, quy mô thị trường bán lẻ online vẫn còn khá khiêm tốn so với quy mô bán lẻ nói chung song theo nhận định của các hãng thống kê, tốc độ tăng trưởng sẽ ở mức 2 con số trong 1 - 2 năm tới.
Tiềm năng là vậy song chất lượng dịch vụ chuyển phát chưa cao là một trong những yếu tố chủ yếu khiến cho giá mua sắm trực tuyến không rẻ hơn đáng kể so với mua sắm truyền thống. Đây là một cản trở đối với lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, một lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng phát triển.
Thương mại điện tử là công cụ tạo thuận lợi cho quá trình chuyển phát hàng hóa nói riêng và hoạt động logistics nói chung. Hoạt động logistics hiện nay có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển của các nhà bán hàng trực tuyến có trọng lượng hàng hóa nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, đúng thời gian và địa chỉ với chất lượng đảm bảo. Thương mại điện tử cũng sẽ.
Để góp phần thúc đẩy việc phát triển dịch vụ logistics đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp xu thế của thương mại điện tử trong tương lai gần, theo ông Tương, các doanh nghiệp logistics nội cần mở rộng quy mô từ một vài tỷ lên khoảng 30-40 tỷ đồng, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ chất lượng cao và giá cạnh tranh, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin điện tử trong quản lý, khai thác dịch vụ logistics.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ chi phí logistics ở Việt Nam chiếm tới 25% GDP trong khi của Mỹ chỉ chiếm 8%, hay như Nhật là 9%. Do đó, trước hết, cần loại bỏ rào cản về chi phí vận chuyển hàng. Một điểm quan trọng nữa, các nhà bán hàng trực tuyến và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics phải có sự liên kết chặt chẽ để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Sự chuyên biệt hóa dịch vụ logistics cho thương mại điện tử đang là xu hướng chung của toàn cầu. Singapore Post vừa đầu tư 145 triệu USD vào trung tâm logistics phục vụ cho thị trường thương mại điện tử, có thể xử lý 100.000 bưu kiện/ngày. Một công ty thương mại điện tử mới nổi như Alibaba cũng đã đầu tư xây dựng trung tâm logistics này. Chính vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam cần tư duy tốt hơn để nhanh nhạy nắm bắt để có thể xây dựng một chiến lược phát triển để thương mại điện tử phát triển tương xứng với tiềm năng của mình.