Thứ Sáu, Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024

EVN: Sẽ đuổi việc người ghi nhầm công tơ số điện

Thứ Hai, 14/07/2014 12:00
Sau những phản ánh những hóa đơn tiền điện bỗng dưng tăng đột biến, lãnh đạo tập đoàn điện lực cho biết sẽ đuổi việc những người ghi sai hóa đơn.

Đuổi việc người ghi nhầm công tơ số điện

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực khẳng định nếu phát hiện ghi sai sản lượng điện, gây thiệt hại cho khách hàng, nhân viên đó sẽ bị đuổi việc ngay lập tức sau những phản ánh về hóa đơn tiền điện tăng đột biến vừa qua.

Giải thích lý do tại sao, hoá đơn tiền điện ở tháng có thời điểm đổi giá lại có tới 2 dạng bậc thang như vậy, ông Tri cho biết, EVN hiện bán điện trực tiếp đến trên 21 triệu khách hàng nên không thể bố trí đủ nhân lực đi chốt chỉ số công tơ tại từng khách hàng vào cùng một thời điểm đổi giá điện.

Do vậy, cơ quan nhà nước đã cho phép EVN áp dụng tính tiền điện của tháng đổi giá bằng phương pháp nội suy đối với điện sinh hoạt.Cụ thể, tiền điện sẽ được tính theo cả cả giá cũ và giá mới.

Trong đó, để tính sản lượng điện được áp dụng giá cũ hay mới, ngành điện sẽ tính bình quân sản lượng điện tiêu thụ mỗi ngày rồi nhân với số ngày được áp dụng áp dụng giá cũ và giá mới.

Định mức số điện mỗi bậc thang cũng sẽ được chia bình quân cho số ngày trong chu kỳ ghi chỉ số, như 30 hoặc 31 ngày và nhân với số ngày được áp giá mới hay giá cũ để từ đó, cho ra định mức sản lượng điên bậc thang được áp dụng đơn giá cũ và giá mới.Ví dụ một hộ dân có chu kỳ ghi chỉ số công tơ từ ngày 5 hàng tháng đến 6 tháng sau.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực.

Giả sử, sản lượng điện vào tháng 6/2014 là 500kWh, chu kỳ từ ngày 6/5/2014 đến 5/6/2014, số ngày dùng điện là 31 ngày. Theo phương pháp nội suy, hộ dân này có 26 ngày sử dụng gía cũ và 5 ngày sử dụng giá mới.

Theo đó, sản lượng điện được tính giá cũ là 419kWh, theo công thức: ((500 kWh:31 ngày) x 26 ngày giá cũ = 419,3 kWh). Sản lượng tính giá mới sẽ bằng 500kWh - 419kWh = 81 kWh. Ở bậc 1 quy định 100kWh đầu tiên, vậy, định mức bậc 1 theo giá cũ sẽ bằng (100kWh: 31 ngày) x 26 ngày giá cũ = 84 kWh điện giá cũ. Theo giá mới, bậc 1 sẽ có sản lượng là 8 kWh.

Kết quả, hoá đơn tiền điện thể hiện, trong 26 ngày được áp dụng giá cũ, với sản lượng tiêu thụ 419kWh, tiền điện phải trả là 857.908 đồng. Còn lại trong 5 ngày được áp theo giá mới với sản lượng là 81 kWh, khách hàng trả 160.407 đồng tiền điện. Tổng cộng hoá đơn tiền điện của tháng có đổi giá này sẽ là 1.018.315 đồng, chưa VAT.

Theo ông Tri, một trong yêu cầu của việc ghi chỉ số công tơ là phải ghi đúng chu kỳ, ghi đủ, ghi chính xác. Để nâng cao trách nhiệm đối với nhân viên ghi chỉ số công tơ, nhiều đơn vị đã áp dụng cách thức trả lương căn cứ vào khối lượng và chất lượng ghi chỉ số công tơ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cũng đã xảy ra một số trường hợp sai sót do nhân viên đọc nhầm số hoặc ghi nhầm số. Đối với trường hợp ghi sai do nhân viên không đến địa điểm đặt công tơ mà phỏng đoán chỉ số để ghi hoặc cố tình ghi tăng lên hoặc bớt đi sản lượng điện sử dụng của khách hàng, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị đình chỉ công tác, thâm chí buộc thôi việc.

Điển hình như trường hợp tại Công ty Điện lực Sóc Sơn - Hà Nội, sau vụ việc ghi nhầm chỉ số công tơ dẫn đến việc tính sai hoá đơn tiền điện, thấp hơn so với thực tế cho một số hộ gia đình tại thôn Thống Nhất, xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội. Điện lực Sóc Sơn đã kỷ luật đối với 2 công nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót này.

Đối với một số trường hợp khác báo chí nêu cụ thể, chúng tôi đã chỉ đạo EVNHANOI phải rà soát ngay tình hình và EVN cũng đã có đoàn công tác đi xác minh thực tế.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy công tác giải thích, giải đáp ý kiến đối với khách hàng của EVN Hà Nội chưa thực sự chủ động, cặn kẽ, khiến khách hàng chưa thỏa mãn. EVN HANOI phải khắc phục các hạn chế trên.

 

Tuy nhiên, nếu theo cách giải thích của lãnh đạo ngành Điện lực thì những trường hợp ghi nhầm số điện xảy ra ở Sóc Sơn hay Nghệ An đều là do người ghi nhầm công tơ điện?

Trước đó, hàng loạt hộ gia đình ở thôn 4 (xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đồng loạt phản đối khi thấy hóa đơn tiền điện bỗng dưng tăng đột biến. Sau đó, đại diện điện lực ở địa phương đã phải trả lại tiền.  Theo phản ánh có tới 9/10 hộ ở một thôn bị tính sai như vậy.

Cụ thể, với trường hợp của gia đình ông ông Bùi Xuân Hòa ở thôn 4 xã Quỳnh Đôi (Nghệ An) cho biết, hóa đơn tiền điện của gia đình ông từ ngày 19/5 đến ngày 15/6 bị tăng đến cả trăm ngàn đồng.

Sau khi tính toán, ông Hòa đã viết đơn lên Công ty Điện lực Nghệ An. Ngay lập tức ông được ngành điện lực trả lại 94.000 đồng. “Sau khi trả lại tiền, họ thu hóa đơn thanh toán cũ và in cho tôi hóa đơn thanh toán mới”, ông Hòa nói.

Tương tự, cũng cũng thời điểm này gia đình ông Hoàng Trung Nhã dùng hết 124 số điện, với giá tiền phải thanh toán là 1.600.000 đồng. Sau khi có đơn đề nghị tính lại giá tiền, ông Nhã chỉ phải nộp 201.000 đồng. Số tiền mà Công ty Điện lực Nghệ An đã tính sai với ông Nhã lên tới 1.399.000 đồng.

Nhiều hộ dân khác khi phát hiện sự bất thường đều đã làm đơn đến Công ty Điện lực Nghệ An và tất cả đã được trả lại tiền thừa một cách nhanh chóng.

Điều đáng nói, khi có phản ánh Công ty điện lực Nghệ An đã không tiến hành rà soát lại toàn bộ mà ai có thắc mắc thì họ trả lại tiền.

Ông Bùi Xuân Hòa bức xúc: “Những người không để ý hay không biết cách tính giá điện mới thì phải chịu thiệt sao?. Ở thôn 4, theo tìm hiểu của tôi, cứ 10 hộ thì có tới 9 hộ bị tính sai tiền điện”.

Không chỉ có Nghệ An, hàng chục hộ dân tại Thống Nhất (xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội) lại phát hiện hóa đơn tiền điện bất ngờ giảm.

Nghi ngờ có sự khuất tất, nhiều hộ dân đã trực tiếp lên công tơ của gia đình mình để kiểm tra…Và thật bất ngờ khi số điện trên công tơ và số điện tiêu thụ trên phiếu thu lại chênh lệch lên đến hàng trăm kWh. Có hộ gia đình số điện chêch lệch lên đến hàng trăm kWh.

Sau khi phát hiện sai phạm trên, hơn 200 hộ gia đình đã làm đơn kiến nghị, phản ánh lên Trưởng thôn, Công ty Điện lực huyện Sóc Sơn cùng các ngành chức năng.

Đã có một cuộc họp diễn ra sau đó và Công ty Điện lực Sóc Sơn cũng đã thừa nhận lỗi thuộc về nhân viên công ty khi họ ghi số điện chốt trong tháng theo... tọa độ chứ không trèo lên cột để kiểm tra.

Lỗi sai là do đánh máy ?

Trong thời gian vừa qua cũng đã xảy ra hàng loạt sự cố xảy ra đều được cho là do lỗi đánh máy và in ấn.

Đầu năm 2013, nghi ngờ về chất lượng của sữa dê Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp, khách hàng tự bỏ tiền đưa mẫu sữa dê Danlait tới Viện Pasteur TP. HCM để kiểm nghiệm.

Kết quả cho thấy hàm lượng đạm (protein) của sữa dê Danlait chỉ đạt mức 4.13% so với 17.6% ghi trên bao bì. Không những thế, hàm lượng Natri trên mẫu là 1606,2 mg/100g (công ty Mạnh cầm công bố tỷ lệ này là từ 180-200 mg/100g); hàm lượng Kali là 3553,7 mg/100g (công bố của Mạnh Cầm là từ 500-620mg/100g). Với kết quả này, hàm lượng Natri cao gấp 4 lần, Kali cao gấp 2,9 lần chỉ tiêu giới hạn của Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex).

Kết quả hàm lượng Kali doanh nghiệp công bố là 500-620 mg/100g, nhưng kết quả kiểm tra hàm lượng này là 890/100g, ông Trung khẳng định, đấy là “lỗi đánh máy của nhân viên”, việc đó ông cũng đã từng gặp vài lần, trong hồ sơ lưu giữ tại Cục cũng công bố là 890 mg/100g. Và việc này ông Trung đã yêu cầu doanh nghiệp phải chỉnh sửa lại.

Với việc giải thích của cơ quan chức năng rằng công bố nhầm là do “lỗi đánh máy” đã khiến cho nhiều người tiêu dùng bức xúc bởi theo họ giờ cứ làm sai, làm lỗi là đổ tội in nhầm.

Hóa đơn tiền điện tăng vọt nhưng toàn do yếu tố khách quan.

Tháng 5/2013, trong công văn của Bộ Xây dựng về thực hiện công tác quản lý chất lượng kiến trúc công trình gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu mỗi đô thị có ngôn ngữ kiến trúc riêng phù hợp với điều kiện cảnh quan, môi trường tự nhiên, tập quán vùng miền. Bộ Xây dựng lưu ý, không xây dựng các công trình kiến trúc theo hướng nhại cổ kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu.

Ngày 13/6, sau khi báo chí đăng tải thông tin về quy định mới của Bộ Xây dựng trong đó nhắc tới quy định cấm xây nhà nhại cổ kiểu kiến trúc Pháp - châu Âu, nhiều bạn đọc đã tỏ ý băn khoăn không hiểu về lệnh cấm lạ lùng này.

Về những thắc mắc này, trong văn bản mới nhất gửi các tỉnh, thành phố và cơ quan báo chí chiều ngày 13/6, Bộ Xây dựng cho rằng: “Trong quá trình in ấn có sự sai sót”.

Và để khắc phục sự sai sót này, Bộ Xây dựng đính chính: “Bỏ phần nội dung Lưu ý: không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu”.

Còn rất nhiều trường hợp ở các lĩnh vực văn hóa, giáo dục... xảy ra nhầm lẫn đều là do lỗi đánh máy.

Theo Báo Đất Việt

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân