Chủ Nhật, Ngày 22 Tháng 12 Năm 2024

Doanh nghiệp logistics vào cuộc đua mới

Thứ Ba, 18/02/2014 12:00
Khi thời điểm thị trường logistics Việt Nam mở cửa hoàn toàn vào ngày 11-1-2014, cũng là lúc doanh nghiệp logistics Việt Nam bắt đầu tái cấu trúc mạnh mẽ để bước vào cuộc đua mới, khốc liệt trên thị trường logistics.

Vào những ngày cuối năm 2013, giới doanh nghiệp logistics ngạc nhiên khi Công ty cổ phần Gemadept - một công ty logistics và khai thác cảng có tiếng của Việt Nam, quyết định bán tòa nhà Gemadept Tower (có tổng diện tích 16.000 mét vuông, nằm trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM) cho một đối tác Hàn Quốc với giá khoảng 45 triệu đô la Mỹ. Cũng trong năm 2013, Gemadept đã thoái vốn khỏi thương hiệu nước khoáng Vĩnh Hảo.

Từ ngày 11-1-2014, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường logistics cho các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài

Trao đổi với TBKTSG, ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gemadept, cho biết việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành nhằm tập trung vốn cho việc đầu tư ngành nghề chính là khai thác cảng và dịch vụ logistics. Điều này dễ hiểu vì thị trường logicstics Việt Nam vừa mới mở cửa hoàn toàn và các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để cung ứng các dịch vụ logistics như kho, bãi, đại lý vận tải hàng hóa. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư tốt cho ngành nghề của mình thì sẽ rất khó để cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thực ra, Gemadept đã dần tập trung vốn cho mảng khai thác cảng biển và logistics từ đầu năm 2013 nhưng phải đến ngày 14-10-2013, Gemadept mới nhận chuyển nhượng 12 triệu cổ phần (tương đương 120 tỉ đồng) tại cảng Nam Hải - Đình Vũ (tại Hải Phòng) của Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu VIPCO. Sau thương vụ này, Gemadept nâng tỷ lệ vốn điều lệ nắm giữ tại cảng Nam Hải - Đình Vũ từ 54,66% lên 84,66%.

Cùng với cảng Nam Hải - Đình Vũ, hiện Gemadept đang khai thác cảng Nam Hải (cũng tại Hải Phòng) với công suất 230.000 TEUs/năm, vượt 53% so với công suất thiết kế. Bên cạnh đó, cảng Phước Long ICD tại TPHCM và cảng Gemadept Dung Quất tại Quảng Ngãi đang hoạt động hiệu quả, đóng góp tỷ trọng lớn trong lợi nhuận của Gemadept. Lĩnh vực khai thác cảng của Gemadept có tăng trưởng doanh thu trung bình trong ba năm gần nhất đạt 23,6%.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2014, doanh thu thuần dự kiến đạt 2.857 tỉ đồng và mục tiêu xa hơn là 3.510 tỉ đồng vào năm 2017

Trường hợp của Gemadept là câu chuyện điển hình cho sự chuẩn bị của doanh nghiệp logistics Việt Nam trước cuộc đua với các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), cho biết khi thị trường mở cửa, bắt buộc các doanh nghiệp phải có hướng đi riêng để cạnh tranh tự do và sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong đó, việc thu hồi vốn ở các mảng khác để tiếp tục đầu tư vào công nghệ, phương tiện, nhân lực... phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế là việc mà các doanh nghiệp cần làm nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi. Đây cũng đang là vấn đề nan giải nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ. Theo ông Quang, các doanh nghiệp nhỏ nên đầu tư hoặc hợp tác vốn, công nghệ thông tin để trở thành tổ hợp cung cấp dịch vụ logistics ở một khâu nào đó trong chuỗi cung ứng. Nếu làm tốt khâu này, cơ hội vẫn chia đều cho cả doanh nghiệp logistics nội và ngoại, thậm chí doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể cạnh tranh ngang ngửa với các công ty nước ngoài.

Trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp logistics trong nước bắt đầu có sự liên kết với ngân hàng để có những giải pháp hiệu quả hơn cho ngành logistics Việt Nam.

Cụ thể, Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Công ty cổ phần ICD Tân Cảng - Long Bình (thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) đã ký kết triển khai gói tích hợp giải pháp tài chính và logistics để cung ứng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu một quy trình trọn gói từ khâu làm thủ tục đến khâu vận chuyển nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó, các dịch vụ như làm thủ tục hải quan, vận tải, cho vay thanh toán tiền để phục vụ xuất nhập khẩu sẽ được thực hiện ngay tại kho và chỉ thông qua một đầu mối là ngân hàng hoặc đơn vị hợp tác với ngân hàng.

Theo ước tính của OCB, thông qua giải pháp logistics và tài chính khép kín, doanh nghiệp sẽ giảm được 5% chi phí logistics và giảm khoảng 20% chi phí cho việc thanh toán quốc tế, vì ngân hàng có hầu hết thông tin về hàng hóa để tại kho của đối tác nên quy trình thẩm định sẽ đơn giản, thủ tục nhanh gọn hơn.

Tuy nhiên, sự liên kết nói trên còn mang tính thử nghiệm và mới chỉ áp dụng ở một kho ngoại quan tại TPHCM. Thị trường logistics đã mở cửa, nếu không tăng tốc để nắm bắt cơ hội kịp thời, doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ lại thua trong cuộc đua trên sân nhà.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân