Còn lạ nước lạ cái chắc là mớ lá chúc, họ chanh rừng. Điểm đặc biệt của lá này là đoạn giữa thắt eo lại - thấy rõ cọng gân lá - rồi lại tiếp tục nở ra, lớn bằng phần đầu. Cho nên, một số dân An Giang đặt tên khác: lá số 8.
Thơm tưng bừng!
Mỗi chiếc lá xanh đậm, hình dáng ngộ nghĩnh ấy chứa cả một kho tinh dầu tự nhiên. Đầu bếp Dương Huy Khải, một trong hai người châu Á được viện Hàn lâm ẩm thực thế giới vinh danh cho biết, mùi thơm của nó mạnh gấp năm lần chanh thường. Nhóm của ông đã nhờ chuyên gia nghiên cứu.
Sả cũng thuộc loại bát ngát thơm. Song nếu bạn thử phối 7-8 củ sả tươi với 4-5 lá chanh rừng trong món rắn hổ hành hầm, tự dưng sả không còn hương nữa mà mặc tình cho mấy chiếc lá lạ hoắc kia “chiếm diễn đàn”, tha hồ quyến dụ khứu giác thực khách.
|
Quả chanh rừng xì xì nhưng đầy hương vị. |
Ông Nguyễn Thanh Tùng, phó ban Kinh tế hội Nông dân tỉnh An Giang, niềm nở đãi chúng tôi món gà hấp lá chúc, ngọt thơm ngất ngây, ông khoe lá mọc nhiều ở làng Ba Chúc (huyện Tri Tôn), nên gọi gọn lá chúc.
Khổ nỗi, cái lá này, người Thái đã nhanh chân gầy dựng thương hiệu lẩu, mì bài bản từ lâu. Trong đó, gia vị chính yếu gồm lá và trái Tom Yum!
Do vậy, nói lá chúc thì nhiều người không biết, còn hỏi lá chanh Thái sẽ có nhiều người gật đầu.
Trước tết con ngựa khoảng hai tháng, một quán ăn nhỏ gần Co.opmart Nhiêu Lộc, trên đường Trường Sa, quận 3, TP.HCM trưng bảng: gà hấp lá chúc mang về. Chẳng khác buồn ngủ gặp chiếu manh, người viết thử mua hai lần, chất lượng vẫn không đổi.
Dù quán nhỏ, nhưng chủ đầu tư dụng cụ bếp toàn inox. Gà ta nguyên liệu được mua từ siêu thị lớn, bao bì đúng chuẩn và hút chân không kỹ lưỡng. Nhờ vậy, người tiêu dùng mua luôn cả sự an tâm. Nhân viên ở đây khoe, đến nay đã có 30 khách mối, ở các quận lân cận (quận 1, quận Tân Bình, quận 3).
Thức chấm, không chỉ có trái chúc tươi mà còn hủ muối hồng tiêu Phú Quốc nhỏ nhắn đi kèm.
Trước đó, năm 2003 anh Tài, dân Long An đi An Giang công tác, mê món gà hấp lá chúc về mở nhà hàng Hoa Biển ở số 52 Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP.HCM, đưa vào thực đơn: lẩu cua đồng + ốc bươu lá chúc, ếch đồng hấp lá chúc...
Xấu mã tốt lòng, trái chanh rừng.
Nếu trông mặt mà bắt hình dong thì bạn sẽ lầm to về trái chanh mặt rỗ này. Ẩn trong lớp vỏ xanh xù xì, xấu xí kia là một trời hương liệu thanh tao, như một thứ bùa mê, khiến suối dịch vị cứ lồng lộn mãi!
Ông Tùng bày thêm: xài chanh này phải biết cách bóc lột, mới thấy sướng. Múi nó lớn cỡ múi quýt, nước cốt chua dịu, nhiều gấp đôi chanh giấy và ít hạt. Vẫn chưa mê ly, bạn lật ngược vỏ chanh lại, “nặn một cái” tức thì những tia tinh dầu bắn ra mờ mịt, thơm “can không nổi”!
Và khó tính
Ngoài khả năng đánh thức, lôi cuốn cảm giác thèm ăn, lá và trái loại chanh rừng này còn giúp khử tanh triệt để những thực phẩm có độ đạm cao, nặng mùi tanh như: cá lóc, rắn, bò…
Ngoài ra, thứ lá trời cho mà khó tính này còn giúp bóng mượt tóc, như phụ nữ Khmer An Giang vẫn nấu lấy nước gội đầu. Được biết, một số phụ nữ Khmer An Giang trước nay vẫn làm thế. Bạn muốn thử? Đến chợ Campuchia ở quận 10, trên đường Lê Hồng Phong, giá khoảng 20.000 đồng/100g lá.
Vài ba năm nay, có một số chủ trang trại ở miền Đông và Tây Nam bộ lặn lội xuống Tri Tôn đặt mua số lượng lớn cây giống (ươm từ hạt) hoặc nhánh (bó nhánh) chúc giống về trồng.
Người viết đã thử mang một cây lá chúc con về Tiền Giang trồng. Hiện cây được 1,5 tuổi, cao gần 1m. Thế nhưng, lá của nó không còn hình số 8 nữa, mặc dù hương thơm vẫn khá đậm đặc.