|
Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc đã run lên và toát mồ hôi khi chiếc hộp đựng bác sơn (một vật trang sức trên trán của phụ nữ) thời Nguyễn được mang ra. “Tôi không thể nói được cảm giác đó. Quá run. Quá mừng. Làm nghề kim hoàn lâu năm, chỉ cần nhìn là biết ngay đó là báu vật hoàng gia”, ông Lộc nhớ lại. Chiếc bác sơn này được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rất cao về kỹ thuật chế tác, đặc biệt là kỹ thuật kéo chỉ vàng. Theo ông Lộc, đỉnh cao của thợ kim hoàn trong nước hiện nay là kéo vàng thành sợi chỉ có đường kính 0,26 mm. Trong khi đó, sợi chỉ vàng trong chiếc bác sơn thời Nguyễn này có đường kính 0,1 mm. Điều dường như không tưởng.
|
Cùng với nhiều đồ vàng quý giá khác, chiếc bác sơn này được trưng bày tại triển lãm đồ trang sức Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử cho đến đầu năm 2014. Cùng nhóm vàng bạc thời Nguyễn với chiếc bác sơn còn có chiếc mũ triều do chính ông Lộc phục chế trong nhiều năm. Cũng có cả những trang sức ngọc nạm vàng trang trí trên đai áo của vua Khải Định. “Có thể nói là hiện vật của chúng tôi giống hệt hiện vật trong một bức ảnh chụp vua Khải Định”, ông Nguyễn Quốc Hữu (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho biết.
|
Không chỉ quý vì có chất liệu quý, trang sức vàng bạc của triều Nguyễn còn thể hiện vị trí của nó trong các gia đình quyền quý. “Ai được đeo chất liệu gì, nhà Nguyễn đều có quy chế đàng hoàng. Nhà Nguyễn còn có chế độ quan tượng hay công tượng, gọi là tượng cục hoặc ty. Thời Nguyễn có rất nhiều ty - cục lo những công việc khác nhau. Chẳng hạn, về kim bài và ấn thì có Kim ngân tượng ty. Chuyện ngọc có Ngọc tượng ty. Thời Tự Đức có tới khoảng 90 tượng cục”, TS Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cung đình Huế nói.
|
Những quy định về trang sức của nhà Nguyễn rõ ràng đến mức có ghi rõ, ai được đeo vàng kiểu gì, vàng bao nhiêu tuổi. Ai được đeo trang sức có hình rồng, rồng mấy móng, phượng như thế nào. Ngay cả đồ trên tất cũng có quy định. Những quy định đó là điển chế. “Tôi nghĩ là theo điển chương điển cố thì không thể có mốt được. Sẽ không có chuyện năm nay mốt ngọc trai, sang năm đeo vàng trắng. Vì nếu theo mốt thì ai sản xuất và điều chỉnh cái đó cho kịp. Chúng đều do xưởng triều đình chế ra cả. Tôi nghĩ thời đó không có khái niệm mốt, thời trang trang sức”, ông Sơn cho biết.
Còn hơn vàng ngọc
“Cũng như mọi hiện tượng khác, trang sức Việt mang trong mình câu chuyện lịch sử của nó”, TS Vũ Quốc Hiền, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết. Từ các hiện vật, người ta hình dung được thời đại mà nó được sản sinh, sử dụng.
“Có thể thấy rất rõ các con đường giao thương với nước ngoài qua các hiện vật Sa Huỳnh, Phùng Nguyên”, ông Nguyễn Quốc Hữu nói. “Tư liệu khảo cổ cho thấy hai công xưởng lớn chế đồ trang sức đá thời Phùng Nguyên ở Hải Phòng và Bắc Ninh. Nguyên liệu chế tác được nhập về từ Miến Điện. Trang sức Sa Huỳnh còn tìm thấy ở Thái Lan, Philippines”.
Cũng theo ông Hữu, một nghiên cứu của Đài Loan cho thấy ta từng có mối giao thương với họ vào giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Thậm chí không chỉ nhập nguyên liệu, còn có khả năng nhập nguyên chiếc đồ trang sức.
|
Triển lãm có hiện vật bao tay đeo chuỗi nhạc bằng đồng. Nó trong bộ áo giáp gồm bao cổ chân, cổ tay, khiên đeo trước ngực gọi là tấm hộ tâm. Trên đó gắn chuông nhỏ để kêu. Điều này hé mở về trang phục chiến đấu thời Đông Sơn.
Đồ trang sức vàng Óc Eo cũng cho thấy sự phồn thịnh ở khu vực là An Giang ngày nay. Với trang sức thời Nguyễn, người xem có thể thấy những người thợ đã lách qua sự xơ cứng của điển chế để sáng tạo ra sao. “Đồ nghệ thuật triều Nguyễn bị chê là xơ cứng vì họ theo điển chương, khuôn mẫu. Nhưng công việc của họ lại xuất sắc vì tay nghề của họ cao”, ông Sơn nói.
“Nhìn lại, chúng ta thấy sản phẩm kim hoàn ở nước ta rất phong phú. Có những thời ngọc, trân châu được dùng phổ biến đến mức vua Lý Anh Tông còn có chỉ dụ vào năm 1163 cấm người trong nước không được dùng trân châu giả”, ông Lộc cho biết.
Về luật lệ của nghề kim hoàn, theo ông Lộc, nó vô cùng nghiêm khắc. Chẳng hạn, vào thời Nguyễn, vua Gia Long đã có chỉ dụ: một hốt vàng làm đồ vật được trừ hao 3 đồng cân, nếu người thợ ăn cắp, ăn bớt lập tức trị tội nặng không cho kể lể kêu ca. Còn có cả lệ nộp thuế vàng. Chẳng hạn, tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm có lệ nộp thuế vàng lá (vàng quỳ). Theo đó, mỗi người một năm nộp 400 lá, người già cả tàn tật chịu một nửa.
|