Làm sao để định giá một website TMĐT?
Giá trị của đa số các website thương mại điện tử không được công bố rộng rãi nên thường được biết đến với các con số khác nhau. Vậy đâu mới là giá trị thật của các website thương mại điện tử Việt Nam hiện nay?
Giá trị thật của website thương mại điện tử Việt Nam
Tiêu chí định giá
Để tính giá trị một website, các trang mạng nổi tiếng thế giới như Google Ad Planner, Biz Information có cách tính dựa trên các tiêu chí như lượt xem mỗi ngày, số trang, số liên kết, thứ hạng tại một vùng lãnh thổ... Từ những thông số đó, họ tính toán ra giá trị của một website trong một khoảng thời gian nhất định. Cách tính này không dựa trên tiềm năng phát triển của website nên giá trị đưa ra rất thấp so với cách định giá của những tổ chức khác như IDG, General Atlantic...
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Quý, Giám đốc EQ Technology & Communication (chuyên về giải pháp kinh doanh tiếp thị công nghệ số), kết quả đó không không chính xác vì chúng được tính theo công thức, không xét tới các yếu tố khác như tương lai.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Công nghệ của Quỹ đầu tư IDG, cho biết có hàng trăm tiêu chí để định giá website thương mại như dòng tiền tương lai, doanh thu, lợi nhuận. Riêng hình thức thương mại điện tử cũng có hơn 10 loại, mỗi loại có cách định giá khác nhau.
Thông thường tại Việt Nam, theo ông Quý, các website được đánh giá dựa trên giá trị tương lai và tiềm năng của nhà lãnh đạo. Ví dụ, khi rót tiền vào VNG, quỹ đầu tư không chỉ đơn thuần là đầu tư vào Công ty mà cả vào ông Lê Hồng Minh (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VNG). Đầu tư vào Vatgia.com được tính đến năng lực của ông chủ Nguyễn Ngọc Điệp.
Hơn nữa, đầu tư vào thương mại trực tuyến Việt Nam hiện nay là đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thường tính đến tiềm năng phát triển của toàn thị trường, thị phần doanh nghiệp đang nắm giữ và hướng phát triển. Do đó, cái giá họ đưa ra có thể được hiểu là dành cho tương lai chứ không phải hiện tại.
Có thể lấy Google làm ví dụ, Tập đoàn đang lỗ gần nửa tỉ USD mỗi năm vì Youtube.com. Tuy nhiên, với tầm nhìn lâu dài thì Google vẫn tiếp tục bỏ tiền vào trang web này.
Dĩ nhiên, cách định giá trên đôi khi cũng bị sai, như khi eBay mua mạng điện thoại internet Skype với giá 2,6 tỉ USD vào năm 2005 chẳng hạn. Sau 4 năm không thành công như mong đợi và bị lỗ, eBay đã phải bán tháo Skype.
Giá trị và giá cả
Cách đây không lâu, website thương mại điện tử Gophatdat.com được trang mạng Alibaba từ Trung Quốc định giá và muốn mua lại với khoảng 5 triệu USD. Song Gophatdat lại tự định giá cao hơn mức đó gấp 3 lần. Liệu Gophatdat có xứng với mức giá đó không khi mà bây giờ họ gần như đã mất hút trên thị trường?
Người trong ngành định giá Vatgia.com khoảng 60 triệu USD. Tuy nhiên, trên mạng lại loan tin rằng có nhà đầu tư nước ngoài định giá tới 5 tỉ USD. Con số này là quá cao. Ông chủ của Vatgia.com không xác nhận đâu là con số chính xác cũng như từ chối đưa ra mức giá riêng.
Ngang tầm với Vatgia.com là Chodientu.com, được định giá khoảng 16-17 triệu USD. Tuy nhiên, thông tin hành lang lại cho biết Chodientu tự định cho mình mức giá 70 triệu USD.
“Rất khó biết giá trị thật của các website thương mại điện tử hiện nay. Đó là vấn đề nội bộ của các quỹ đầu tư, phụ thuộc vào nhiều lý do. Có thể Vatgia hay Chodientu chưa có lời nhiều hay có giá cao như vậy, nhưng quỹ đầu tư nhận thấy tiềm năng trong tương lai nên đổ tiền vào”, ông Quý từ EQ Technology & Communication nói.
Chuyện định giá một website thương mại điện tử tương tự như chứng khoán. Nhiều người mua giá sẽ tăng, ít người mua giá sẽ hạ. Nhưng giá trị của website khác với giá cả. Có thể website này được định giá mức đó nhưng không phải ai cũng sẵn sàng trả mức giá cao như vậy để mua. Ngược lại, cũng có thể website được định giá ở mức này nhưng phải trả cao hơn mới mua được, vì còn phụ thuộc vào sự thương lượng của 2 bên đối tác.
Và việc các website tự định giá mình quá cao có thể do họ không muốn bán. Vì thế, xác định giá trị thật của một website thương mại điện tử vẫn là chuyện còn bỏ ngỏ.