Hàng hiệu cũng chứa độc chất…
Cuối năm ngoái, Quỹ Ung thư vú và Tổ chức Chiến dịch Mỹ phẩm an toàn của Mỹ đã phát hiện trong các sản phẩm của Revlon có chứa độc chất gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người tiêu dùng. Cụ thể trong son nhũ, thuốc nhuộm tóc của hãng này có hợp chất butylated (BHA, BHT); trong phấn bột, chì kẻ mắt và thuốc chải mi chứa quaternium-15, chất giải phóng formaldehyde. Ngoài ra, còn có chất prabens, octinoxate, resorcinol… đều là những chất gây rối loạn nội tiết, độc hại cho đường hô hấp, gây ung thư…
Theo phân tích của các nhà khoa học, cơ chế gây bệnh của BHA, BHT diễn ra theo quá trình: tác động tới chức năng nội tiết tố rồi dẫn đến tác dụng phụ cho cơ quan sinh sản làm cho hệ thống này bị “vô hiệu hóa” (vô sinh), thúc đẩy các khối u phát triển. Cả hai cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư ở châu Âu và Mỹ đều chỉ ra nếu tiếp xúc với BHT một thời gian dài với hàm lượng cao, ngoài việc gây ung thư còn làm gan, thận, phổi, tuyến giáp suy yếu và gặp vấn đề với bệnh mãn tính.
Một nhà khoa học Mỹ khẳng định: “1/8 trong số 82 nghìn hóa chất công nghiệp độc hại (tương đương khoảng hơn 10 nghìn hóa chất) được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm rất có hại đối với người tiêu dùng, thậm chí đe dọa tính mạng của họ”.
Vì tác hại này, Quỹ Ung thư vú và Chiến dịch Mỹ phẩm an toàn tại Mỹ cùng Tổ chức: Vì quyền lợi phụ nữ Ultraviolet đã vận động hơn 50 nghìn phụ nữ Mỹ yêu cầu Hãng Revlon phải ngừng sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất các sản phẩm của mình nếu không sẽ tẩy chay.
Bà Janet Nudelman, Giám đốc Quỹ Ung thư vú và đồng sáng lập Chiến dịch Mỹ phẩm an toàn đã kêu gọi: “Hãng Revlon cần loại bỏ các hóa chất gây ung thư từ những sản phẩm được hàng triệu phụ nữ sử dụng mỗi ngày. Nếu không chúng tôi sẽ loại bỏ nhãn hiệu này khỏi túi đựng mỹ phẩm của chúng tôi”.
Đây không phải là hãng mỹ phẩm danh tiếng đầu tiên trên thế giới bị phát hiện có hóa chất độc hại mà Kanebo (xuất xứ Nhật Bản) một “tên tuổi” quá quen thuộc với người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ châu Á cũng bị phát hiện có chất làm trắng da Rhododenol gây rối loạn sắc tố da.
Kết luận này được công bố khi hơn 15 nghìn người đã làm đơn khiếu nại Hãng Mỹ phẩm Kanebo vì họ đã bị ít nhất 1-3 vết rối loạn sắc tố trên da với đường kính 5cm sau khi sử dụng loại mỹ phẩm làm đẹp da nói trên. Trong đó, có không ít khách hàng đến từ Hongkong, Hàn Quốc và Thái Lan… Sau vụ việc, đồng thời với việc xin lỗi người tiêu dùng, lãnh đạo của Kanebo đã phải thu về hàng triệu sản phẩm từ khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Hàng “lởm” tràn lan
Hàng có “tên tuổi”, xuất xứ rõ ràng đã vậy, với mỹ phẩm rẻ tiền, thậm chí xuất xứ, nguồn gốc không rõ ràng bán tràn lan trên thị trường trong nước thì chất lượng như thế nào trong khi đối tượng sử dụng loại mỹ phẩm này phải tính đến con số hàng chục nghìn người bởi thu nhập bình quân của nước ta không cao?
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định: “Ngay cả mỹ phẩm cao cấp cũng chứa độc chất thì mỹ phẩm rẻ tiền hoặc “vô danh” cũng không thể tránh được việc này. Bởi độc chất như chì chẳng hạn là một thành phần không thể thiếu trong son môi vì nó giữ cho màu son không “bay” kể cả khi ăn uống. Tất nhiên với hàm lượng không thể gây ngộ độc lập tức. Cho nên mỹ phẩm nhiều khi là “lợi bất cập hại” khi sử dụng.
Và một điều chắc chắn rằng: mỹ phẩm càng rẻ tiền thì độc chất càng nhiều do những hoạt chất có tính chất “dưỡng” giá cực đắt. Mỹ phẩm rẻ tiền thì không thể có những dưỡng chất như vậy được. Nếu sử dụng, thay vì làm đẹp thì chỉ có tàn phá… nhan sắc”.
Buông lỏng công tác quản lý
Vậy tại sao một mặt hàng có chất lượng kém như vậy lại bán tràn lan, công khai và dường như không có ai quản lý?
Đây là mặt hàng được Bộ Y tế và Bộ Công Thương quản lý, trong đó Bộ Y tế quản lý về chất lượng còn Bộ Công Thương quản lý về hàng lậu, hàng rởm… Nếu những sản phẩm này bày bán công khai, tràn ngập thị trường, nghĩa là trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về hai ngành này. Thế nhưng, từ trước tới nay, như Bộ Y tế chẳng hạn, trước những sản phẩm kém chất lượng, chưa bao giờ chủ động lên tiếng hay phát hiện để thông báo đến người tiêu dùng mà thường “ăn theo” những cơ quan khác, nhất là cơ quan quốc tế.
Cơ quan chức năng thu giữ mỹ phẩm giả
Hay như vụ Kanebo, phải có thông báo từ hãng, Bộ Y tế, cụ thể là Cục Quản lý dược mới thông tin đến người tiêu dùng. Tương tự, đối với mỹ phẩm Revlon cũng vậy, khi báo chí đưa tin thì Cục Quản lý dược mới “nhảy vào cuộc”. Người ta cố gắng trông chờ một sự chủ động “phát tín hiệu” từ cơ quan quản lý nhưng dường như… vô vọng.
Mà thực ra, để phát hiện những mỹ phẩm độc hại trên thị trường hiện nay, đâu đến nỗi khó khăn vì hàng bẩn, độc hại nhan nhản khắp các chợ, khu vực chuyên bán mỹ phẩm. Chỉ cần Bộ Y tế “ra tay” là có thể có được những thông tin quý giá đối với người tiêu dùng và thể hiện trách nhiệm của một cơ quan quản lý đối với “đồng bào” của mình.
Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng thế, nếu họ ra tay liên tiếp, quyết liệt, có lẽ hàng không nhãn mác, hàng “dởm” sẽ không có “đất sống” tại các chợ. Cho nên, với “hiệu quả” công tác quản lý hiện này, ở góc độ nào đó có khác nào đang dung túng cho mỹ phẩm bẩn!
Trong khi cơ quan chức năng buông lơi thả lỏng công tác quản lý thì để giữ gìn sức khỏe và bảo đảm tính mạng, không còn cách nào khác là người tiêu dùng phải lựa chọn trên cơ sở sự nhạy bén, thông minh của mình - phải tẩy chay hàng bẩn, hàng độc; sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ để chọn giải pháp đỡ xấu hơn trong các giải pháp xấu (vì như đã nói, ngay cả hàng cao cấp cũng có độc chất nhưng với hàm lượng thấp hơn hàng rẻ tiền)…
Trong số những hợp chất hóa học như triclosan, cadmium, chì, paraben… có trong son môi thì triclosan ảnh hưởng nhất đến hoạt động của cơ tim, thậm chí gây vô sinh ở nữ giới. Bởi khi vào cơ thể, triclosan làm gián đoạn dòng chảy của các ion canxi, có nhiệm vụ dẫn truyền các tín hiệu từ não đến các mô cơ. Cho nên nếu chỉ cần 20 phút phơi nhiễm với triclosan cũng làm giảm 25% chức năng hoạt động của tim. Nếu thường xuyên phơi nhiễm nữa với triclosan thì cơ thể sẽ sản xuất hàm lượng hormone nam nhiều hơn khiến phụ nữ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt dẫn đến khả năng khó sinh nở. |