Thứ Sáu, Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024

Loạn mỹ phẩm

Thứ Tư, 27/11/2013 09:30
Mỹ phẩm mang thương hiệu lớn ngập tràn ngoài thị trường cũng như mạng online được bày bán công khai với giá ưu đãi, hấp dẫn. Tuy nhiên, phần lớn những mỹ phẩm này đều là hàng nhái, ẩn chứa nhiều rủi ro, hóa chất độc hại cho người tiêu dùng, không ít người vì ham rẻ, ham tiện lợi mà rước họa vào thân.

Từ ngoài chợ…

Khảo sát nhanh tại các khu vực chợ Đồng Xuân, chợ sinh viên Cầu Giấy…, các kệ hàng mỹ phẩm vẫn tràn ngập các loại hàng nhái với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Clinique (Mỹ), Shisedo (Nhật Bản), O Hui (Hàn Quốc), L’Oreal (Pháp)... So với giá bán của hàng chính hãng, hàng nhái rẻ hơn rất nhiều. Một thỏi son Shisedo “nhái” chỉ có giá khoảng 30.000-40.000 đồng/thỏi (trong khi hàng chính hãng có giá từ 600.000-1 triệu đồng/thỏi), hộp phấn O Hui, L’Oreal, Mac chỉ có giá 80.000-100.000 đồng/hộp (hàng chính hãng từ vài trăm đến hơn 1 triệu/hộp).

Trên các sản phẩm này đều có dán tem với dòng chữ “tem chống hàng giả” hoặc “đảm bảo chính hãng”. Nhưng nếu “tinh mắt”, người tiêu dùng có thể thấy một số tem còn viết sai cả chính tả hoặc không ghi xuất xứ, tên nhà sản xuất mà chỉ có tên nhà nhập khẩu là một công ty nào đó. Một số sản phẩm không đề hạn sử dụng nhưng được người bán nhiệt tình giới thiệu là “hàng mới về”.

Mỹ phẩm rẻ tiền tại chợ sinh viên Cầu Giấy. Ảnh: Người Tiêu Dùng.

Mỹ phẩm “nhái” còn được những đại lý mỹ phẩm lớn trà trộn bày bán theo các đợt “siêu khuyến mãi” và “siêu giảm giá”. Các đại lý này đều tung ra nhiều băng rôn “hoành tráng” quảng cáo về những đợt khuyến mãi đặc biệt của hãng, son phấn, kem dưỡng da giảm giá tới 50-70%. Nhiều người mua đổ xô vào những đợt “siêu hạ giá” vì ham rẻ và thiếu kiến thức. Kỳ thực, chẳng có hãng mỹ phẩm nào “siêu giảm giá” hàng với tốc độ thường xuyên và chóng mặt như vậy.

…Đến mạng online

Chỉ cần lướt qua một vài website bán hàng trực tuyến có thể thấy được mức độ phong phú của các loại sản phẩm từ kem dưỡng da, tẩy tế bào chết, kem trị thâm, tắm trắng, đến kem tan mỡ, son môi, nước hoa… với giá cực kỳ ưu đãi. Tại website shopdep…, cửa hàng mỹ phẩm này ở TP HCM nhưng có chi nhánh tại Hà Nội, giá các loại mỹ phẩm hàng nhập ngoại nhưng chỉ dao động từ 45.000 đồng tới 260.000 đồng, chẳng hạn Muối tắm trắng Abonne bò giá 45.000 đồng, tắm bùn dưỡng trắng da 7 Princes ses nhập ngoại giá 86.000 đồng, kem dưỡng trắng da Doleme Hàn Quốc giá 110.000 đồng, tắm trắng Charm Xanh 130.000 đồng…

Một số website mỹ phẩm khác lại có “chính sách” giảm giá rất ưu đãi ở tất cả các mặt hàng, có những mặt hàng giảm tới hơn một nữa. Tại trang chuyên về hàng giảm giá loại mỹ phẩm đều được giảm giá rất ưu đãi: Kem trị mụn Youth Dew Gell - Cream giá 1.280.000 đồng giảm xuống 499.000 đồng, bộ 5 sản phẩm Maybelline New york gồm má hồng + phấn phủ + kẻ mắt nước + Macara + kem lót nền giá 165.000 đồng (giá gốc 330.000 đồng), bộ mỹ phẩm OHUI Hwa Hyun Special Gift Set Whoo 6 món trị giá 2.100.000 đồng giảm xuống 1.050.000 đồng…

Không chỉ đăng tin quảng cáo giá rẻ mà các cửa hàng online này còn chuyển hàng tới tận tay của khách hàng, chỉ cần khách hàng chuyển tiền trước vào tài khoản của họ thì ngay ngày hôm sau bạn sẽ nhận được sản phẩm. Cũng chính vì vừa rẻ lại có thể nhận hàng tại nhà cho nên những cửa hàng online này thu hút rất đông khách hàng.

Hàng rởm mác xịn

Lần theo địa chỉ của một website bán hàng trực tuyến có chi nhánh ở Hà Nội trên ở đường Cầu Giấy, thế nhưng đó lại là một cửa hàng mỹ phẩm khác đang chuẩn bị khai trương chứ không phải như địa chỉ giao trên mạng. Dù chưa khai trương nhưng thấy chúng tôi có ý muốn mua nên chị chủ cửa hàng cũng nhiệt tình giới thiệu. Tất cả các loại mỹ phẩm của cửa hàng này đều không trùng với các loại sản phẩm up trên website. Chị T. chủ cửa hàng này cho biết: “Những cửa hàng mỹ phẩm online không đảm bảo hàng thật đâu bạn ạ, giá rất rẻ nhưng thường là hàng nhái, hàng gần hết hạn làm gì có hàng nhập ngoại giá chỉ có mấy chục nghìn đến hơn trăm nghìn. Mình cũng từng bán mỹ phẩm nên mình biết”.

Thăm dò một số người từng bán mỹ phẩm trực tuyến thì hầu hết họ góp ý là không nên mua và dùng loại hàng này. Bạn Hằng (Hải Dương) làm ở làng sinh viên Hacinco tư vấn: “Không nên mua mỹ phẩm qua mạng dễ bị lừa lắm, mình chưa bao giờ mua trực tuyến cả vì hàng không đảm bảo chất lượng lại phải chuyển tiền vào tài khoản trước cho họ nên dễ bị lừa. Năm ngoái mình có làm về mỹ phẩm trực tuyến cho người quen của mình nên mình biết”.

Tại một trang mạng trực tuyến địa chỉ tại TP HCM có giới thiệu một loại thuốc trắng da toàn thân của Thái Lan với những câu mời chào ngọt lịm “Thuốc uống trắng da toàn thân gluta giúp da trắng hồng từ bên trong thay đổi sắc tố làm đen da... cho bạn làn da hồng hào trắng mịn... từ da đen đến da bình thường uống gluta da vẫn trắng nhé, không cần tắm trắng hay thoa kem bạn vẫn có làn da như mong ước. Giá sản phẩm bảo đảm rẻ nhất thị trường nhé…” Chúng tôi gọi cho chủ cửa hàng theo số ghi trên website 098 322 xxx thì được chị chủ cửa hàng online này rất niềm nở: “Em mua sản phẩm mới à, em có thể chuyển tiền vào tài khoản trước, bọn chị sẽ chuyển hàng tới tận tay”.

Cũng chính những chiêu trò này mà rất nhiều khách hàng đã mắc mưu của họ. Phần lớn sản phẩm đã hết hạn hoặc hàng nhái kém chất lượng. Theo số liệu tổng hợp từ các bệnh viện chuyên khoa da liễu, số ca nhập viện điều trị bệnh có liên quan đến việc dùng mỹ phẩm ngày càng đông trong thời gian gần đây.

Mới đây, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, hầu hết bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm nằm trong lứa tuổi 18-25. Tác nhân gây dị ứng nhiều nhất là kem dưỡng da, chiếm 1/3 số ca dị ứng mỹ phẩm; các loại kem tổng hợp chiếm 22%; thuốc nhuộm tóc được xếp vào hàng thứ ba, với 20%; tiếp theo là phấn…

Theo các chuyên gia y tế, mỹ phẩm không nguồn gốc rõ ràng thường được sản xuất bằng các chất và hóa chất độc hại trong đó có chứa rất nhiều kim loại nặng không tan như thủy ngân, chì, kẽm, cyanua… Ngoài những nguy hại nhẹ là dị ứng, mẩn ngứa khi sử dụng, người tiêu dùng còn đối mặt với nguy cơ bị ung thư và các bệnh nguy hiểm khác bởi các chất kim loại nặng độc hại có chứa trong mỹ phẩm giả gấp hàng nghìn lần cho phép.

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, mỹ phẩm là một trong những mặt hàng nằm trong nội dung thường xuyên thanh tra, kiểm tra về gian lận thương mại. Các sản phẩm mỹ phẩm “nhái” hầu hết được nhập từ Trung Quốc và dán các nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như Olay, Ponds…

Theo các chuyên gia, nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám sau một thời gian sử dụng mỹ phẩm được quảng cáo là “xịn”, hàng hiệu. Hầu hết các bệnh nhân đều nhập viện với dấu hiệu biến chứng do dùng hàng “dỏm” như da bị nổi mụn bọc, mụn trứng cá, mẩn đỏ, sưng tấy… Đáng chú ý trong số này cũng có không ít trường hợp mang theo những di chứng mãn tính như: môi sưng, lở loét, lỗ chân lông to, da sạm, xuất hiện sẹo… do không được chẩn trị kịp thời.

Mỹ phẩm nhái, mỹ phẩm giả mang theo nhiều hiểm họa cho người dùng như vậy, nhưng hiện vẫn chưa có một quy chuẩn nào của cơ quan chức năng hướng dẫn người dân phân biệt và nhận biết mỹ phẩm giả. Do đó, khi mua mỹ phẩm, người tiêu dùng cũng chỉ biết dựa vào kinh nghiệm của bản thân hoặc sự tư vấn của người thân chứ không có cách nào phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật.

Theo Người Tiêu Dùng
Theo Người Tiêu Dùng

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân