Thứ Năm, Ngày 9 Tháng 1 Năm 2025

Tết đến, nhất định phải thử những món bánh đặc sản này để thấm hương vị Tết miền Trung

Thứ Ba, 06/02/2018 05:03
Tết đến là khi những món ăn đặc sản được sử dụng như một thức quà đặc biệt dành cho những ngày đầu năm thiêng liêng và an lành nhất. Vùng đất miền Trung cũng có rất nhiều món bánh chỉ có thể được nếm thử trong dịp Tết nguyên đán.

1. Bánh tổ

Bánh tổ là một loại bánh có xuất xứ từ Quảng Nam, đây là một ăn đặc sản, có truyền thống lâu đời trong mỗi dịp tết của người dân xứ Quảng. Nhiều địa phương ở Quảng Nam đều làm bánh này.

Nguồn gốc bánh do người di cư ở Trung Quốc tạo ra để chào đón dịp tết, thực chất khi xưa người hoa không biết dịch nghĩ là dùng để thờ tổ tiên nên đặt là Bánh tổ. Thực chất loại bánh này có tên là niên cao (年糕) hay tiếng Anh là nian gao, có nhiều giả thuyết cho rằng do vua Quang Trung sáng tạo ra thực chất không phải.

Bánh tổ xuất hiện trên đất Hội An khá lâu, cùng thời với sự hình thành các khu phố cổ, được người Hoa du nhập từ thế kỷ 16 – 17 và tồn tại cho đến ngày nay. Bánh tổ cùng với món cao lầu là hai món ăn truyền thống, đặc trưng cho "văn hóa ẩm thực Trung Hoa" và là món ngon, đặc sản phố cổ Hội An từ hàng trăm năm qua.

2. Bánh tét

Bánh tét, có nơi gọi là bánh đòn, là một loại bánh trong ẩm thực của cả người Kinh và một số dân tộc thiểu số ở miền Nam và miền Trung Việt Nam, là nét tương đồng của bánh chưng ở Miền Bắc về nguyên liệu, cách nấu, chỉ khác về hình dáng và sử dụng lá chuối để gói thay vì lá dong, vì vậy nó cũng được sử dụng nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam với vị trí không khác bánh chưng.

Bánh tét ngày Tết thường để lâu được vài ngày, được nấu vào đêm giao thừa để những ngày Tết có thể dùng để ăn với dưa món và thịt kho, những ngày này theo tục lệ người Việt là không sử dụng bếp núc. Đây thường là bánh tét nhân mặn với thịt, mỡ và đậu xanh, và dùng cho nhiều người ăn.

Ngoài ra, còn có bánh tét nhân ngọt với nhân chuối hoặc đậu xanh, loại to dùng cho nhiều người ăn hoặc loại nhỏ dùng cho một người ăn.

Khi ăn bánh tét, người ta dùng dao sắc cắt ngang đòn bánh thành từng khoanh rồi lột vỏ và dây cột bánh để ăn, nhưng cũng thường thấy cách bóc vỏ từ từ và dùng dây lạt buộc bánh (hoặc dây chỉ) để cắt bánh thành từng lát mỏng, tước vỏ đến đâu cắt bánh đến đó. Tay trái cầm bánh, tay phải cầm một đầu lạt và đầu còn lại cắn vào miệng, khoanh tròn lạt quanh bánh đã tước vỏ và tét từng khoanh bánh đơm lên đĩa.

3. Bánh lăn

Là một món ăn dân dã, rẻ tiền, bánh lăn từ lâu đã trở nên quen thuộc với các gia đình miền Trung mỗi dịp Tết đến xuân về. Thành phần chính là nếp thơm dẻo được chọn lựa từ mùa trước, thêm vào rất nhiều nguyên liệu như cà chua, quất, cà rốt, bí đao, chuối, gừng và vài ba lát dứa… Tất cả được xắt mỏng, rim với đường nhỏ lửa cho đến khi hỗn hợp mứt đặc lại. 

Phần nếp được rang kỹ, xay hoặc giã mịn thành bột, sau đó trộn đều với nước đường cho đến khi dẻo lại. Bột nếp và mứt hòa vào nhau nén thành khối trụ tròn dài, khi ăn cắt thành từng khoanh nhỏ trông khá nhiều màu sắc.

4. Bánh nổ

Bánh nổ được làm từ thóc nếp loại ngon đem rang trên than hồng tạo thành nhiều tiếng nổ, có lẽ vì thế gọi là bánh nổ. Hạt nếp nổ bung ra to như hoa cải, màu trắng ngần. Người ta đem ép bánh nổ thành từng cái hình chữ nhật bằng một khung gỗ có sẵn. 

Xong, người ta thắng đường thành keo, có bỏ một ít gừng cho thơm và bôi xung quanh hành bánh nổ. Khi ăn, bánh nổ vừa có vị nếp thơm, vừa ngọt thanh của đường và mùi thơm của gừng, khi cắn giòn tan, thấm đều và tan dần trong miệng rất thú vị.

Ngày nay, người ta đã ứng dụng công nghệ mới để sản xuất bánh nổ chứ không làm thủ công như xưa nữa. Thay vì dùng lò than để rang nếp, người ta dùng lò điện, thay vì ép bánh bằng khu gỗ lại có máy cắt bánh chuyên dụng, bánh nổ thành phẩm ra lò trông vừa vặn, vuông vức hơn.

5. Bánh thuẫn

Bánh thuẫn là món bánh truyền thống của các tỉnh thành vùng duyên hải nước ta. Một món bánh đơn giản làm từ bột bình tinh (có nơi thay bằng bột mì), bột năng, trứng gà, ít đường, vani và dầu ăn nhưng lại tạo nên mùi thơm nức mũi khách qua đường. 

Bánh thuẫn được làm bài bản đúng cách sẽ có màu vàng ươm, bung nở như những cánh hoa. Bánh cầm khá nặng tay, ăn có vị ngậy vừa đủ, xốp mềm, không quá ngọt như các loại bánh mứt dịp Tết nên có thể ăn liền tù tì mà không cảm thấy ngán.

6. Bánh in

Là món bánh quen thuộc đối với người miền Trung khi thờ cúng ông bà mỗi dịp lễ Tết, bánh in hiện nay tuy đã có thêm rất nhiều hương vị mới cũng như kiểu dáng phong phú hơn, nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét truyền thống với nguyên liệu chính từ bột nếp. 

Để làm nên chiếc bánh in trắng trẻo ngọt thơm, người ta thêm vào ít lá dứa, nước hoa bưởi và cốt chanh - những thứ mang đậm chân quê hồn Việt. Bột sau khi được chế biến thì cho vào khuôn ép, tạo nên hình khối vuông tròn với các họa tiết như con cá, bông hoa, rồng phượng,… sắc sảo, đẹp mắt.

7. Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là đặc sản của đất võ Bình Định, về sau lan rộng và nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực miền Trung. Dù đi đâu xa, người con xứ sở vẫn không quên dáng hình những chiếc bánh tựa như tháp Chàm cổ kính. 

Để làm bánh ít lá gai ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là tìm lá gai, lá hơi sần, xốp, khô khô, rửa sạch, luộc chín, để ráo rồi đem vào cối giã thật nhuyễn, nếu chưa nhuyễn thì bánh sẽ không mịn màng. Nếp dùng là nếp mới, thơm, dẻo vừa, trộn với đường đen.

Nhân bánh gồm đậu xanh, dừa, đường, thêm quế và vani để tạo mùi hương. Bánh ít được bao bọc bởi những lớp lá chuối sạch sẽ rồi hấp cách thủy. Khi ăn chỉ cần bóc nhẹ lớp lá chuối xanh là hiện ra lớp da bánh ít màu đen bóng đầy hấp dẫn.

8. Bánh măng

Ở cố đô Huế, trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán đều có sự hiện diện của bánh măng. Đây là loại bánh có hình vuông, gói bằng giấy màu bóng kính trong suốt. Tuy nguyên liệu tạo thành đơn giản, rẻ tiền, dễ kiếm nhưng công đoạn thực hiện rất công phu, như người ta vẫn ca ngợi sự tỉ mỉ trong văn hóa ẩm thực xứ Huế. 

Măng tre sau khi nướng qua than nóng cho sém vỏ thì được luộc kỹ và dùng lược chải để tơi ra phần thịt non, mềm. Việc nướng măng nhằm giúp khử mùi và giữ được độ thơm, ngọt, trước khi chải và rim thành mứt. Với bột nếp nhồi măng, chiếc bánh khi hoàn thành phải hòa quyện thành một khối mềm mại, thanh nhã với màu trắng ngà của bột nếp, màu vàng ngà của măng tre và một lớp bột áo trắng tinh vừa đủ phủ bên ngoài.

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân