Chợ Tết được coi là địa điểm mua bán trao đổi hàng hóa phục vụ cho việc mua sắm và chuẩn bị cho Tết cổ truyền. Các phiên chợ Tết thường được họp vào cuối tháng Chạp hàng năm. Ở nhiều vùng miền trên nước ta còn có truyền thống tham gia các phiên chợ Tết để cầu duyên, cầu tài lộc, mua sắm hàng hóa, nó chứa đựng rất nhiều những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Vậy bạn đã từng tham gia các phiên chợ Tết bao giờ chưa, nếu chưa, hãy thử đi ngay thôi nào vì đó chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị. Hãy cùng tham khảo một số phiên chợ Tết nổi tiếng sau đây để khám phá những nét văn hóa độc đáo và lựa chọn được cho mình và người thân những mặt hàng thú vị nhé.
1. Chợ phiên xứ Đoài
Vốn là một thủ đô ồn ào náo nhiệt và hiện đại, chắc hẳn sẽ rất nhiều người bất ngờ khi khám phá ra rằng ở Hà Nội lại có một phiên chợ Tết đậm chất dân dã thôn quê như thế này. Chợ phiên xứ Đoài nằm trên huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố khoảng 20km, chợ có cái tên cực kì bình dị là chợ Nủa.
Chợ không có cổng mà chỉ có một con đường đất nhỏ dẫn vào, tuy dân dã là vậy nhưng nơi đây lại thu hút hàng trăm, nghìn người ghé qua, đặc biệt được thu hút nhất là hai phiên chợ diễn ra vào ngày 22 và 27 tháng Chạp hàng năm. Đây là thời điểm mà người dân nhiều nơi mang những hàng hóa, sản vật đẹp nhất để trao đổi mua bán, rất đông vui và tấp nập.
Phiên chợ tết này tập trung rất nhiều mặt hàng, mẫu mã đa dạng mà giá cả lại phải chăng hợp lí nên thu hút rất nhiều người. Bạn chỉ cần đến đây vào một ngày phiên chợ diễn ra thôi cũng đủ hiểu không khí chuẩn bị sắm sửa cho Tết của người dân đông vui rộn ràng đến thế nào.
2. Chợ đồ cổ phố Hàng Mã
Nằm trên phố cổ - khu vực trung tâm thành phố Hà Nội nên chợ đồ cổ phố Hàng Mã thu hút rất nhiều người qua lại. Chợ kéo dài khoảng chục ngày, bắt đầu từ 20 tháng Chạp hàng năm đến hết ngày 29, 30 tết.
Cũng đúng như cái tên gọi của nó, khu chợ chủ yếu buôn bán những mặt hàng cổ với mức giá không hề rẻ chút nào. Những chiếc bát bé xíu, chiếc đĩa sứt mẻ hoặc những chiếc đồng hồ cổ cũ kĩ cũng đều được hét giá khá cao, do vậy khi mua sắm ở khu chợ này bạn phải hết sức cân nhắc giá cả để mua sắm được món đồ với giá tiền hợp lí.
Quy mô chợ có khoảng 10 đến 15 quầy hàng được bày bán, có khi la liệt ra cả vỉa hè và xuống lòng đường với vô vàn những mẫu mã đa dạng. Nếu bạn là một người thích chơi đồ cổ hoặc chiêm ngưỡng chúng thì phiên chợ này đích thị là dành cho bạn, nhưng để mua sắm chúng thì phải tinh ý và khéo léo một chút nhé!
Mặc dù vậy, đây vẫn được coi là một phiên chợ Tết đặc sắc ở người Hà Nội và rất được mọi người quan tâm.
3. Chợ Ngái
Không biết từ bao giờ, ở làng Ngái xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội hình thành và duy trì những phiên chợ nhộn nhịp cả trước và sau dịp Tết âm lịch cổ truyền. Điểm đặc biệt của chợ đó chính là kéo dài từ năm cũ qua năm mới với 5 phiên chợ đặc trưng: Chợ Ngái Vàng Mã, Chợ Ngái Lá Dong, Chợ Ngái Hàng Cam, Chợ Ngái Hàng Cá và Chợ Ngái Hàng Gà.
Từ xưa, phiên chợ Ngái vàng mã họp vào sáng 16 tháng Chạp, chuyên mua bán đồ vàng mã, chuẩn bị lễ tiễn ông Công - ông Táo chầu Trời vào 23 tháng Chạp.
- Phiên chợ Ngái lá dong họp vào ngày 21 tháng Chạp, chuyên mua bán lá dong, lạt giang nứa, chuẩn bị cho việc gói bánh chưng… trước Tết.
- Phiên chợ Ngái hàng cam họp vào ngày 26 tháng Chạp, mua bán cam bưởi, hoa quả, chuẩn bị cho mâm ngũ quả ngày Tết.
- Phiên chợ Ngái hàng cá họp ngày mùng 3 Tết, mua bán cá, chuẩn bị việc cúng cơm cá trong lễ “Tạ Cụ” đầu Xuân.
- Chợ Ngái hàng gà họp vào mùng 6 Tết, chuyên mua bán gà, chuẩn bị cho lễ hạ cây nêu ngày mùng 7 tháng Giêng.
Ngày nay, chợ Ngái đã được bổ sung thêm rất nhiều loại mặt hàng cho chúng ta lựa chọn. Tuy phiên chợ này không còn được đông vui tấp nập như thời xưa nhưng vẫn thu hút rất nhiều người ghé qua và đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân ở nơi đây.
Với những phiên chợ tết đông vui tập nập và đa dạng mặt hàng mua bán như vậy, chẳng có lí do gì để chúng ta có thể bỏ qua những phiên chợ ấy. Hãy để chợ Tết mãi là một nét đẹp văn hóa của người Việt.