Khám phá các loại mì của Nhật Bản mở ra cuộc du hành kỳ thú bởi từng loại mì có cách chế biến vô cùng đa dạng và hương vị đặc trưng riêng. Thêm vào đó là khẩu vị thuộc hàng “khó tính” cộng hưởng đã làm nên tinh hoa của ẩm thực xứ sở mặt trời mọc và trong số đó là các loại mì. Ngoài ra, đối với văn hóa nước này, mì còn là món ngon có ý nghĩa đặc biệt ở các thời điểm trong năm vì mang lại may mắn, trường thọ.
Nhắc đến Udon khiến người ta nghĩ ngay đến sợi mì màu trắng đục, dày, đầu hình tròn hoặc hình vuông. Điểm thú vị ở loại mì này là nó có nhiều “phiên bản” khác nhau từ tên gọi riêng để phân biệt thành phần đến việc phụ thuộc vào từng địa phương, quán mì, sở thích và thời tiết mà xuất hiện nhiều dạng sợi mì khác nhau.
Thưởng thức mì Udon sẽ cảm nhận ngay hương vị thơm ngon và dai dai của bột mì kết hợp cùng nước dùng có vị lạ và đặc trưng – mặn nhẹ và ngọt thanh nhưng cũng không kém phần đậm đà. Theo truyền thống mì Udon được dùng chung với nước luộc thịt, ăn kèm với trứng chiên, các loại rau, cá, bánh bao, thịt lợn muối, tôm chiên.
Truyền thống làm và ăn mì soba có nguồn gốc từ thời kỳ Tokugawa, còn gọi là thời kỳ Edo, từ 1603 tới 1868. Bởi chú trọng yếu tố hài hòa của ẩm thực và thời tiết nên giống nhiều món mì khác ở Nhật, mì soba cũng có loại ráo nước và lạnh dành cho mùa hè, cũng như mì nóng vào mùa đông kết hợp nước dùng dashi làm từ đậu nành.
Được ví như biểu tượng cho sự may mắn, người dân ở đất nước mặt trời ăn mì vào lúc giao thừa với ý nghĩa tiễn năm cũ, đón một năm mới đầy may mắn và sức khỏe. Điểm nhận dạng quen thuộc là sợi mì dài, dai và có màu nâu sẫm đặc trưng. Đây còn là một trong những loại mì có cách chế biến công phu và các ăn đặc biệt nhất ở Nhật bởi được làm từ 100% bột kiều mạch để tạo nên sợi mì có độ giòn nhất định.
Trái ngược với màu nâu sẫm của Soba thì mì Ramen có màu vàng đẹp mắt, sợi lại nhỏ xíu khác hoàn toàn với Udon. Mì này phổ biến khắp đất nước Nhật Bản và mỗi địa phương lại có hương vị mì Ramen riêng của mình.
Một điểm nhận dạng quen thuộc nữa là nước súp loại mì này “trong veo” và có vẻ ngoài thực sự hấp dẫn bởi được nấu từ muối, nước trong có tên shio ramen. Thêm vào đó là xương heo hầm, nước đục váng mỡ có tên gọi là tonkotsu ramen và cuối cùng là shouyu ramen- một loại nước tương Nhật. Ngoài ra thì còn có nước mì nấu với tôm trong món mì hải sản, nước cà ri Nhật hay món mì với trứng.
Kishimen là loại mì có nguồn gốc từ Aichi- một tỉnh miền trung của Nhật. Được làm từ bột mì, bột gạo muối với nước ngầm lấy từ trong núi rồi kéo thành sợi. Tuy nhiên, không giống như mì Udon, sợi mì Kishimen có hình dạng bản to. Do điều kiện tự nhiên vùng miền đặc biệt nên sợi mì làm tại Aichi bao giờ cũng dẻo và dai hơn, khi nấu lên sẽ không bị bở.
Hơn nữa, người Nhật cho rằng bởi có hình dạng dẹp nên khi nấu trong nước dùng, mì sẽ thấm đều gia vị làm món ăn thêm đậm đà. Mì Kishimen sau khi luộc có thể dùng ăn nóng hoặc lạnh. Nhưng đối với Kishimen việc ăn nóng với nước soup miso, chả cá kamaboko, cá ngừ bào, hành lá được ưa chuộng hơn hẳn.