Đây là một sân chơi vô cùng thú vị, giúp các em nhỏ học hỏi và tìm hiểu rõ nét hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc không chỉ thông qua sách vở, những lý thuyết thô ráp, mà còn qua thực tế, những lời hướng dẫn của các nghệ nhân.
Đến đây, các em được tận mắt nhìn thấy chiếc bánh chưng được tạo ra từ những thành phần gì, công đoạn gói bánh, luộc bánh ra sao; được xin chữ và tìm hiểu phong tục xin chữ lấy may đầu năm; tận tay in cho mình một bức tranh Đông Hồ mà trước đó chỉ biết trên sách vở; không chỉ vậy, các em còn được tham gia chơi những trò chơi dân gian như đánh đu, nặn pháo đất, múa sạp,...
Các nghệ nhân giảng giải về nguyên liệu, công đoạn làm bánh chưng
Chăm chú xem nghệ nhân làm giò
Xếp hàng chờ xin chữ
Các em nhỏ xếp hàng để cô giáo chụp ảnh lưu niệm
Tự tay in tranh Đông Hồ...
... và mang thành quả về nhà
Chơi đu là trò được các em háo hức thử
Nặn pháo đất
Là một chương trình vui Tết thường niên được tổ chức bởi Bảo tàng Dân tộc học, chương trình đã thu hút rất nhiều em nhỏ đến từ các trường tiểu học, mẫu giáo khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Đây là dịp cho các em vừa được vui chơi, vừa được học hỏi những điều mới mẻ, bổ ích.
Múa sạp - điệu múa đặc trưng của dân tộc Thái - Mường
Tiếp nối chuỗi sự kiện, Bảo tàng Dân tộc học tiếp tục tổ chức những hoạt động vui chơi khác từ ngày mồng 4 - 8 Tết (19 - 23/2/2018) và chương trình Sắc thái văn hóa Bình Phước ngày mồng 9 - 10 Tết (24 - 25/2/2018), hứa hẹn sẽ còn nhiều điều thú vị hơn nữa chờ đón các em nhỏ. Đặc biệt còn có màn đốt pháo bông mừng năm mới hết sức được mong chờ nữa đấy!