Bước vào nhà anh, ấn tượng đầu tiên là những chiếc đồng hồ treo tường cổ khá nhiều. Khi tôi đến, anh Tuấn vẫn đang bận rộn cân chỉnh những chiếc đồng hồ úp ly để giao cho khách. Vừa làm việc, anh tranh thủ thời chia sẻ về duyên nợ của mình với những chiếc đồng hồ cổ mà dân sưu tập hay gọi đùa là “cỗ máy thời gian”. Anh Tuấn tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã rất thích đồng hồ. Đến nhà nào có đồng hồ treo tường đẹp, tôi cứ nhìn ngắm mãi. Năm 18 tuổi, tôi bắt đầu đi mua những chiếc đồng hồ cũ về tháo ra để tìm hiểu về cấu tạo, tính năng, cách vận hành của đồng hồ. Từ đó, tôi gắn bó với nghề sửa đồng hồ cổ”.
|
Anh Nguyễn Hữu Tuấn đang sửa đồng hồ. |
Làm nghề khoảng 30 năm, anh Tuấn đã trở một người lão luyện. Chỉ cần nhìn đồng hồ, anh có thể nói ngay hiệu đồng hồ, cấu tạo, cơ chế hoạt động. Ngoài ra, anh cũng có thể chế được một số linh kiện để thay thế. “Cách đây khoảng 20 năm, thông tin về các loại đồng hồ rất ít; việc sửa đồng hồ cũ rất khó khăn, bởi thiếu phụ tùng thay thế nên tôi phải mày mò chế lại các linh kiện bị hỏng. Bây giờ, việc sửa chữa đồng hồ cổ đã dễ hơn nhiều, bởi ngoài những chiếc đồng hồ được người trong nước lưu giữ, nguồn hàng từ nước ngoài chuyển về rất nhiều, chỉ cần chịu khó tìm kiếm là có đồ để thay thế”, anh Tuấn nói.
Ngày trước, kinh tế khó khăn, chỉ có những người giàu có mới sở hữu các loại đồng hồ treo tường nổi tiếng như: Odo, Junghans, Schatz... Hiện nay, với sự phong phú của mặt hàng này từ nước ngoài, người chơi đồng hồ cổ ngày càng nhiều. Tuy đã sở hữu trong tay khoảng 200 chiếc đồng hồ cổ (đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn, đồng hồ đeo tay, đồng hồ tủ...) được sản xuất tại Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật, Thụy Sĩ nhưng anh Tuấn vẫn nói mình chỉ là hạt cát trong giới chơi đồng hồ cổ. “Bạn bè tôi có người có lượng đồng hồ gấp tôi mấy lần. Tôi được nhiều người biết tiếng vì sửa chữa đồng hồ hơn là người sưu tập đồng hồ cổ”, anh Tuấn nói. Trong số đồng hồ anh Tuấn đang giữ, có nhiều chiếc khá giá trị như chiếc đồng hồ treo thường hiệu Carillons 100 năm tuổi, đồng hồ Odo 36 được sản xuất cách đây hơn 70 năm. Vừa giới thiệu về xuất xứ những chiếc đồng hồ, anh cũng nói sơ qua về cơ chế lên dây cót, nhạc chuông, bộ gông... của từng chiếc đồng hồ. Theo anh, dân chơi đồng hồ cổ đặc biệt thích đồng hồ Odo, bởi hộp đồng hồ được làm từ gỗ sồi có màu sắc rất cổ kính và không khi nào bị mối mọt; tiếng chuông của nó rất chuẩn. Qua các thời điểm 15 phút - 30 phút - 45 phút - 60 phút, những chiếc đồng hồ này đều dạo đủ tương ứng từ 1 đến 4 bản nhạc rồi mới điểm giờ. Anh Tuấn lên dây rồi cho tôi nghe thử tiếng chuông của đồng hồ. Trong cái tĩnh lặng của buổi chiều, tiếng nhạc du dương của bản Wesminter (đồng hồ Odo thường sử dụng bản Wesminter làm nhạc chuông), tiếng búa gõ vào gông đồng đỉnh đạc điểm giờ vang lên như tiếng chuông nhà thờ, nghe thật tuyệt diệu.
Với mong muốn kết nối những người yêu đồng hồ cổ, giữa năm 2013, anh Tuấn đã lập trang web thuanloipho.vn để làm diễn đàn mua bán, trao đổi thông tin về đồng hồ cổ, chia sẻ kinh nghiệm về sửa chữa đồng hồ. Đến nay, thuanloipho.vn đã có 4.000 thành viên. Nhờ có trang web này, anh có thêm nhiều bạn bè trong giới chơi cổ vật nói chung, đồng hồ cổ nói riêng. Có một người bạn ở Đức mà anh quen trên mạng, tuy chưa một lần gặp mặt nhưng đã gửi tặng anh một chiếc đồng hồ để bàn làm bằng tay rất đẹp. “Với người chơi đồng hồ, đồng hồ không chỉ là chiếc máy đo thời gian mà còn ẩn chứa trong đó nhiều giá trị văn hóa. Có những chiếc đồng hồ treo tường được các gia đình truyền từ đời này sang đời khác, trở thành chứng tích thời gian... Tôi hy vọng, với sự phát triển của TP. Nha Trang, sẽ ngày càng có nhiều người chơi đồng hồ cổ”.