Thứ Ba, Ngày 24 Tháng 12 Năm 2024

Lúng túng với vàng trang sức

Thứ Sáu, 18/04/2014 12:00
Tình trạng bát nháo về chất lượng, gian lận tuổi vàng trang sức được kiểm soát, thị trường vàng nữ trang sẽ ổn định trở lại nếu Thông tư 22 được triển khai một cách có hiệu quả

Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trên thị trường được xem là công cụ quan trọng kiểm soát chất lượng, hạn chế gian lận tuổi vàng.

Tuy nhiên, tại hội nghị hướng dẫn thực hiện Thông tư 22 ở TP HCM ngày 15-4, nhiều ý kiến của doanh nghiệp (DN) xin lùi thời gian áp dụng để tránh tình trạng lãng phí, đội giá sản phẩm và ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng.

Mua bán vàng tại một cửa hàng ở TP HCM Ảnh: HỒNG THÚY

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM (SJA), cho biết sau Nghị định 24 của Chính phủ về tổ chức quản lý vàng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 22 quy định chặt chẽ về chất lượng, tiêu chuẩn, phương tiện đo, yêu cầu DN sản xuất, kinh doanh phải công bố hàm lượng, xuất xứ… các sản phẩm vàng nữ trang trên thị trường. “Đây là thông tư sát sườn trong công tác đo lường, tổ chức quản lý vàng trang sức mỹ nghệ trên thị trường Việt Nam” - ông Dưng nói. Thị trường vàng trang sức thời gian qua khá bát nháo, nhất là về chất lượng. Tình trạng gian lận tuổi vàng xảy ra phổ biến khiến người mua vàng chỉ “mua đâu bán đó” nếu không muốn bị ép giá.

Dù vậy, nhiều DN cho biết một số quy định của thông tư rất khó thực hiện. Trong thông tư yêu cầu tỉ lệ sai số cho phép về hàm lượng vàng giữa DN sản xuất và DN kinh doanh chỉ từ 0,1%-0,3% (trước nay con số này từ 1%-3% để bù đắp chi phí sản xuất, nhân công, nguyên liệu vàng). Nếu sai số cho phép quá ít sẽ làm đội chi phí giá sản phẩm lên từ 3-5 lần, trong khi sức mua thấp như hiện nay DN sẽ càng khó khăn.

Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết Thông tư 22 yêu cầu phải công bố địa chỉ của nhà sản xuất và nhà phân phối. Hiện PNJ có hơn 2.000 nhà phân phối, chưa kể các tiệm vàng, đại lý nhỏ lẻ lấy lại hàng của nhà phân phối… làm sao DN biết để công bố, rồi khách hàng có quan tâm? Về thời điểm áp dụng, ngay khi thông tư được ban hành, PNJ đã sản xuất theo tiêu chuẩn mới nhưng lượng hàng tồn lớn, nhiều món nữ trang cả năm mới bán được.

“Với hàng tồn kho, theo quy định tự công bố thì đạt yêu cầu nhưng theo Thông tư 22 là chưa đạt. Chỉ riêng PNJ có cả triệu sản phẩm tiêu chuẩn tự công bố tồn kho, chưa kể hàng của đại lý đã lấy về. Đề nghị lùi thời điểm áp dụng để công ty thanh lý dần sản phẩm, tránh gây lãng phí” - ông Phan kiến nghị.

 

Ít doanh nghiệp nắm quy định mới

Dù Thông tư 22 được ban hành từ tháng 9-2013, các DN vàng có gần 9 tháng để chuẩn bị nhưng đến thời điểm này, rất nhiều DN không biết các quy định từ Thông tư 22. Chẳng hạn, hiện TP HCM có hơn 3.000 DN sản xuất, kinh doanh vàng là thành viên của SJA nhưng chỉ khoảng 10% đơn vị nắm được các yêu cầu mới về tiêu chuẩn, chất lượng đo lường vàng trang sức.

Đại diện Hội Mỹ nghệ Kim hoàn An Giang cho biết các DN trên địa bàn rất lúng túng vì liên hệ đến cơ quan chức năng để đăng ký công bố tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn chưa có văn bản, biểu mẫu hướng dẫn thực thi...

 
Theo Người lao động

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân