Thứ Ba, Ngày 24 Tháng 12 Năm 2024

Dị ứng da do đeo trang sức

Thứ Hai, 03/12/2012 12:17
Sử dụng trang sức hoặc phụ kiện trong việc tạo phong cách thời trang và phối đồ là một cách tuyệt vời để bạn thể hiện cá tính. Nhưng sẽ thế nào nếu những món nữ trang đó gây dị ứng da?

Triệu chứng của viêm da do dị ứng tiếp xúc

Nếu bạn có cơ địa nhạy cảm hoặc dị ứng với nữ trang, việc đeo chúng sẽ gây triệu chứng: da bị ngứa, khô, trở nên khó chịu và ửng đỏ hoặc xuất hiện vẩy. Tệ hơn, da của bạn có thể bị hăm, phồng rộp hoặc đau. Những phản ứng này là biểu hiện của chứng viêm da tiếp xúc dị ứng.

Trong những trường hợp nhẹ, da có thể bị ngứa hoặc xỉn màu từ món trang sức. Một số người nói rằng da của họ hơi ngả màu xanh dương, màu xanh lá cây hoặc đen khi đeo trang sức, mặc dù đây không phải là những phản ứng của dị ứng.

Vì sao trang sức gây dị ứng da?

Kim loại gây dị ứng: phần lớn trang sức đều có chứa nhiều thành phần kim loại. Ví dụ, trang sức làm bằng vàng hoặc bạc - là những kim loại mềm, nên người ta thường cho thêm nickel và đồng vào để làm cho trang sức chắc chắn và bền đẹp hơn. Nhưng những kim loại thêm vào này lại thường là thủ phạm gây dị ứng da.

Tình trạng xỉn màu của trang sức: nữ trang - đặc biệt là nữ trang bằng bạc thật - rất dễ bị xỉn màu do phản ứng với khí H2S trong không khí, từ đó bị mất màu (thường là chuyển thành màu đen). Khi bạn đeo trang sức bị xỉn màu, da của bạn cũng bị ảnh hưởng.

 

 

 

Ảnh minh họa.



Mồ hôi: muối trong mồ hôi người có thể phản ứng với kim loại trong trang sức gây phản ứng dị ứng trên da. Bạn nên đeo trang sức khi không bị đổ mồ hôi, sẽ hạn chế được tình trạng này.

Hóa chất trên cơ thể: hằng ngày, chúng ta tắm gội, sinh hoạt và sử dụng nhiều hóa chất lên cơ thể như xà phòng, nước hoa, dầu gội đầu, sữa rửa mặt và chất khử mùi, từ đó để lại những chất cặn của hóa chất trên cơ thể chúng ta. Ví dụ, khi bạn dùng nước rửa tay, một lượng nhỏ xà phòng còn đọng lại trên da tay đủ để phản ứng với kim loại trong chiếc nhẫn bạn đang đeo, gây phản ứng dị ứng trên da.

Dùng thuốc: việc uống một số loại thuốc, điển hình là kháng sinh, có thể góp phần gây ra hiện tượng ngả màu của da của bạn khi bạn đeo trang sức.

Cách khắc phục

Hạn chế thời gian đeo trang sức: đừng đeo trang sức cả ngày nếu không cần thiết, như thế chứng dị ứng da sẽ không có cơ hội biểu hiện.

Dùng thuốc điều trị: hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia về da liễu để được tư vấn và điều trị đúng cách. Các loại kem hydrocortisone có thể giúp giảm ngứa và rát, trong đó một số loại có thể được dùng mà không cần kê đơn. Đối với da khô, có thể dùng các loại kem có tính chất dưỡng ẩm.

Dùng phấn phủ: phấn phủ có tác dụng hút ẩm và mồ hôi, giảm khả năng phản ứng giữa da và trang sức. Hãy phủ một lớp phấn mỏng lên vùng da đeo trang sức trước khi đeo.

Dùng sơn móng tay bóng (không màu): sơn móng tay bóng có tác dụng tạo một lớp bảo vệ và ngăn chặn thành phần kim loại trong trang sức phản ứng với da. Bạn có thể sơn một lớp lên trang sức tại vị trí tiếp xúc da để hạn chế khả năng dị ứng da.

Tạo sự thông thoáng cho da: nên dùng những loại trang sức hoặc phụ kiện có thể điều chỉnh hoặc nới lỏng và đừng đeo quá chật, để vùng da đeo trang sức không bị yếm khí. Nếu nhẫn của bạn quá khít, hãy nhờ thợ kim hoàn nới lỏng nó. Đeo nữ trang đúng cách để da bạn được thông thoáng để không khí có thể len lỏi vào, hạn chế phản ứng giữa da và trang sức.

Hạn chế đeo những kim loại rẻ tiền hoặc chất lượng kém: nếu bạn thích đeo vàng và có điều kiện tốt, nên đeo vàng nhiều karat. Ví dụ, nếu vàng 10 karat làm da bạn bị dị ứng, hãy chuyển sang đeo vàng 14 hoặc 18 karat. Lý do là vì vàng ít karat sẽ có một lượng nhiều hơn các kim loại tạp khác, như nickel và đồng, gây phản ứng trên da. Tương tự, vàng nhiều karat thường có ít kim loại tạp, nên sẽ ít nguy cơ dị ứng.

Ngoài ra, trang sức bằng bạch kim hoặc palladium cũng là những lựa chọn tốt, vì hai kim loại này không chỉ thân thiện với da người hơn so với vàng, mà chúng còn là những kim loại mạnh và cứng hơn vàng, do đó lượng nickel sẽ ít hơn. Hiển nhiên, trang sức làm từ các kim loại này sẽ đắt so với những loại khác.

Lưu ý nhãn mác trang sức: khi mua nữ trang, hãy hỏi kỹ người bán hàng và chọn những loại trang sức không nickel hoặc có thành phần ít gây dị ứng da. Các loại trang sức làm từ những kim loại như thép không gỉ hoặc titanium là những lựa chọn lý tưởng cho những người có cơ địa da nhạy cảm và dễ bị dị ứng.

Bảo quản nữ trang sạch sẽ: đây là việc rất nên làm, vì bụi bẩn, vi khuẩn, hoặc chất nhờn tích tụ lâu ngày trên trang sức sẽ gây phản ứng lên da của bạn. Hãy rửa nữ trang bằng nước ấm, xà phòng loại nhẹ và chà sạch bằng bàn chải đánh răng, sau đó súc và lau khô nữ trang bằng khăn vải mềm và sạch. Bạn cũng có thể bỏ tiền mua một bộ sản phẩm chuyên dụng để làm sạch nữ trang nếu cần.

Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ: vì chính những chất nhờn, và chất bẩn trên cơ thể bạn cũng góp phần gây dị ứng da mỗi khi bạn đeo nữ trang.

 

 

Kim Anh (Theo Sức khỏe đời sống)

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân